Báo chí nói về Chúng tôi
Những câu chuyện khởi nghiệp thành công giúp truyền động lực cho bạn.
Phổ cập thạc sĩ
Học thạc sĩ sẽ rất hữu ích cho người đam mê nghiên cứu, vậy thì bạn hãy tìm đúng trường và tìm cách học để đạt mục đích đó.
Một câu hỏi chung của rất nhiều bạn trẻ sau khi vừa tốt nghiệp đại học, cũng như các anh chị đang đi làm là "có nên tiếp tục học lên thạc sĩ?" Hiện nay, có rất nhiều ý kiến, nhận định khác nhau về vấn đề này. Trong khi đó, một điểm thuận lợi là theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 30/8/2021, bổ sung hình thức vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng. Thông tư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học viên cao học. Trước kia, nếu việc học là toàn thời gian thì học viên phải mất nhiều thời gian hơn cho việc đầu tư để có được tấm bằng thạc sĩ.
Dù vậy, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về những mặt tích cực và hạn chế của việc học thạc sĩ hiện nay:
Mục tiêu học thạc sĩ
Người theo học thạc sĩ có nhiều mục đích khác nhau như: học để đủ chuẩn được bổ nhiệm công tác; do công việc cần cập nhật, nâng cao kiến thức; học vì đam mê và yêu thích nghiên cứu; vì mong muốn có học vị tốt trong xã hội... Tuy nhiên, dù là với mục đích nào đi nữa thì hiện nay việc học thạc sĩ cũng không còn quá khó khăn như trước. Ngày nay, các trường liên tục đua nhau tuyển sinh đào tạo cao học nên chuyện thi tuyển đầu vào gần như chỉ mang tính hình thức, kéo theo chất lượng học viên cũng không cao như xưa. Đào tạo thạc sĩ giờ đã trở thành việc rất phổ biến ở các trường đại học.
Chất lượng đào tạo và đầu ra
Hiện nay, các trường phần lớn thuê các giảng viên từ những trường có uy tín để dạy cho học viên của mình. Thế nên, tôi cho rằng, chất lượng giảng viên đào tạo ở bậc học này có thể được đảm bảo. Tuy nhiên, việc tuyển sinh đầu vào không có chất lượng tốt dẫn đến tình trạng học viên không đảm bảo kiến thức, khả năng để theo học ngày càng phổ biến.
Trong khi đó, các kỹ năng nâng cao phương pháp học, phương pháp nghiên cứu mới là những điều tạo nên sự khác biệt. Với những kiến thức đã được học, được trang bị ở hệ đại học, người học thạc sĩ ngoài việc tự học, tự tìm hiểu theo hướng dẫn của giảng viên, còn phải biết sắp xếp lại kiến thức và phân tích, đánh giá chúng theo quan điểm của bản thân dựa trên những gì nghiên cứu được. Điều đó có nghĩa là học thạc sĩ sẽ cho chúng ta biết phương pháp nghiên cứu, phương pháp tư duy và nhận định một vấn đề.
Thạc sĩ nghiên cứu khoa học
Điểm nổi bật được xem là linh hồn của bậc học này chính là luận văn thạc sĩ, mà học viên phải trải qua nghiên cứu theo hình thức định lượng thì mới thấy được cái hay, cái cần học. Có như vậy, việc học mới thật sự phù hợp cho các học viên có mục đích đam mê nghiên cứu.
Hiện nay, một số trường chấp nhận cho học viên bảo vệ luận văn theo phương pháp nghiên cứu định tính (như giải pháp, xây dựng chiến lược...). Điều đó có thể giúp người học tốt nghiệp nhẹ nhàng hơn. Ttuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, việc tổ chức nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu khoa học cũng như viết bài báo đăng trên các tạp chí khoa học, họ sẽ không thể thực hiện được.
Ngoài ra, việc thuê người viết luận văn, viết nghiên cứu đang là vấn nạn của nền giáo dục. Qua đó, cho thấy, bậc học thạc sĩ sẽ rất hữu ích, rất tốt cho người đam mê nghiên cứu vì sẽ trang bị cho người học một phương pháp tổ chức nghiên cứu một vấn đề - điều không được học ở đại học. Nhưng nó sẽ không phù hợp, không mang lại hiệu quả cho học viên học vì mục đích nâng tầm xã hội, để có bằng cấp bổ nhiệm... Điều này dẫn đến thực trạng học nhiều, học cao mà vẫn không biết gì, không làm được gì.
Nói tóm lại, yêu cầu cần thiết của một thạc sĩ là phải biết cách tổ chức nghiên cứu khoa học, nắm được phương pháp nghiên cứu và đánh giá, nhìn nhận một vấn đề có logic và có luận điểm cá nhân tốt hơn một cử nhân. Có như vậy, việc học thạc sĩ mới được xem là có chất lượng đảm bảo.