
Báo chí nói về Chúng tôi

Những câu chuyện khởi nghiệp thành công giúp truyền động lực cho bạn.
Do còn dư âm của “tháng 11 - nghĩ về nhà giáo”, tôi viết bài này nhằm gợi mở một số vấn đề để chúng ta cùng suy ngẫm, trao đổi. Sau hai lần hội ngộ cùng các đối tác trong lĩnh vực tư vấn, tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp, chúng tôi có những ngày vui hết sức ý nghĩa. Ai ai cũng như được sống dậy trong không khí của ngành, của nghề, gần một năm lao động cực nhọc, tất tả ngược xuôi, chúng tôi được tề tịu tại một không gian lớn của nhà hàng, giữa tiết trời mùa thu Hà Nội nhằm hướng ứng ngày Hiến Chương nhà giáo 20/11. Ở các buổi gặp mặt, những ngày lễ kỷ niệm như thế, chắc chắn những lời tốt đẹp nhất, những từ ngữ có cánh nhất là để dành cho những người Thầy, người Cô đã dìu dắt, dạy dỗ và nâng đỡ chúng ta được ngân lên, cất ca đến dạt dào.
Nhiều lời phát biểu ở có thể kể đến như “một chữ cũng là thầy – nửa chữ cũng là Thầy”; “bài giảng của thầy chắp cánh ước mơ em, theo chúng em đi suốt mãi cuối cả cuộc đời” khiến tôi không khỏi suy tư, ngẫm nghĩ. Tri ân là đúng rồi, nhớ ơn Thầy Cô cũng chẳng cần bàn cãi vì đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt chúng ta. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, tôi đã từng đọc được rằng “một chữ cũng là Thầy – nửa chữ cũng là Thầy” là câu nói của trò, của người dưới chứ không phải câu nói của Thầy. Tức là thế của anh cần nói vậy, vì sự cầu cạnh, vì ơn nghĩa nên học trò nói thế và đó là cách nói để làm mát lòng, mát dạ những người Thầy, người Cô nhưng tuyệt nhiên nếu coi đó là tất cả, là cao đạo, cao thượng thì vô tình cổ súy quá vị thế người Thầy. Bởi quá trình nhận thức, trao nhận tri thức là quá trình hai chiều, là chiếc bình thông nhau. Mất cân đối một vế đều không tạo ra sự tiếp nhận dễ dàng, thuận lợi. Đề cao người Thầy nhưng cũng cần nâng tầm người trò. Vai trò của người học bây giờ đang được coi trong, được xem là vị trí trung tâm của quá trình dạy và học.
TS. Cù Văn Trung tiếp các nhà báo
Đôi khi vì văn hóa, vì xã giao và vì “thế dưới” của người trò mà họ bộc lộ, bộc bạch như vậy. Có học giả còn kể câu chuyện thế này, khi gặp lại người Thầy cũ của mình trong một cuộc Hội thảo có sự tranh luận, tranh cãi gay gắt do chưa đi đến điểm thống nhất về nhận thức giữa hai người nay. Nhiều dẫn chứng chưa thuyết phục được cậu học trò của nên người Thầy nói câu đại ý phủ đầu “hình như trước đây anh là học trò của tôi”. Người học trò ấy nay đã là chuyên gia, trả lời Thầy mình rằng: Vâng, em là trò của Thầy nhưng mà của 10 năm trước. Điều này có nghĩa rằng, 10 năm sau mà người Thầy vẫn xem đó là trò của mình với tính chất không thay đổi về chất lượng con người thì rất không đúng với của sự vận động triết học. Đặc biệt, cái hạnh phúc, cái tự hào của người Thầy chính là học trò của mình trưởng thành về mọi mặt thì mới có một thế hệ tương lại khác đi, thay đổi và phát triển hơn.
Sau chuỗi ngày hân hoan, hơi men say đắm ngất ngây của tháng 11 nghĩ về nhà giáo, đâu đâu cũng thấy ảnh, thấy hoa, các bài viết tràn ngập trên facebook, những câu nói hay nhất, mỹ miều nhất mà nhiều khi tôi đọc cũng phải bật cười. Những câu đại ý như “Thầy là người có ảnh hưởng sâu đậm nhất đến suy nghĩ của tôi”; “bài giảng của Thầy theo tôi đi đến suốt cuộc đời”. Thiết nghĩ những bài giảng, lời dạy mà theo người ta đến suốt cuộc đời thì nó đóng đinh, nó gắn chặt vào một suy nghĩ, một tâm niệm con người vào một triết lý, quan niệm sống nào đó. Và như vậy thì làm sao các bạn có thể thích ứng được những đổi thay của xã hội.
Có một câu chuyện thế này, người con 10 tuổi có những nhận thức rất tốt, được người cha khen, đến năm 20 tuổi người con vẫn nhận thức về các vấn đề như đứa 10 tuổi thì người cha bắt đầu trách mắng, đến năm 30 tuổi người con vẫn nói những điều như thế thì người cha đã đánh và đến 40 tuổi người con vẫn vậy thì người cha đã bắt đầu khóc vì bất lực. Chúng ta cứ hình dung một chàng trai đã lớn đến đoạn yêu một có gái mà đến lúc cần làm những việc cần làm mà lại bảo để anh gọi điện về hỏi mẹ, hỏi bố trước đã thì chắc chúng ta đập tay lên trán vì sự ngô ngây của con người thụ động, chờ đợi sự chỉ dẫn từng li, từng chút.Không ai muốn nhìn thấy một thế hệ mà mãi vẫn cứ “lời dạy của Thầy là bài học theo con suốt cuộc đời” chúng ta phải học tập mỗi ngày, tìm kiếm những bài học mới mỗi ngày. Biết ra khỏi những nhận thức, kiến thức cũ không còn phù hợp với thời đại, biết suy tưởng để định hình những kế hoạch trong tương lại, người như thế là người có năng lực ở miền triển vọng, có năng lực xấp xỉ của tương lai. Còn vẫn hát vang bài ca cũ, vẫn chìm đắm mớ bòng bong quá khứ, của thế hệ đã qua thì làm sao mà chúng ta lớn lên được, thành người trưởng thành được.
Tôi có một người chị mỗi lần hỏi cái gì về chị ấy chuyên môn thì chị ấy bảo để chị hỏi ý kiến Thầy này, Thầy kia xem thế nào. Khi thì hỏi Thầy giáo về chuyên môn chị ấy dạy, khi thì hỏi Thầy giáo hướng dẫn Luận án Tiến sĩ của chị ấy. Tôi nghĩ thế là hỏng rồi, học hành đến mức như vậy còn không thoát ra cái bóng của người Thầy thì làm sao có tư duy mở, làm sao có thể đam đương những thứ to tát khác nếu được các người Thầy giao phó. Các bạn hình dung như thế chả khác gì người cha như câu chuyện trên kia, có lẽ chỉ biết “khóc” khi nhìn vào thế hệ sau chả chịu “lớn” lên được mấy. Cả anh bạn tôi nữa, trước đây một số vấn đề tôi được báo chí hỏi, tôi cũng chỉ hỏi anh ý để xem anh ấy nghĩ thế nào về những câu hỏi ấy. Anh ấy biết tôi có một người Thầy “rất to lớn” và có uy tín nên khuyên tôi nên hỏi Thầy. Tôi chưa lần nào hỏi Thầy vì nếu thế mình là người phụ thuộc, là người không có khả năng “tác chiến, tác nghiệp” độc lập, không có bản sắc. Thậm chí còn bị chê trách, chê cười, đôi khi còn không trả lời lại vì họ bận, họ tảng lờ và chắc cũng sẽ “khóc” vì học trò thụ động, không ra khỏi những cây đa, cây đề để có thể tự đứng vững trên đôi chân học thuật, đôi chân hàn lâm khoa học của mình mà đĩnh đạc xuất hiện trước báo giới, truyền thông và công chúng.
TS. Cù Văn Trung tiếp các chuyên gia Hàn Quốc thông qua phiên dịch véc đen ngồi giữa
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta có rất nhiều người Thầy, hình mẫu thì nên có, tấm gương thì nên tìm nhưng không được đóng đinh, cố định vào bất kỳ người Thầy nào bởi người Thầy trong thời đại mới có thể là tác giả của những quyển sách quý, của công nghệ, của Thầy Cô trên giảng đường, của những diễn giả, học giả ngoài đời sống…Chúng ta cần học tập bởi nhiều nguồn, nhiều thứ để bổ sung vào các phần khuyết, điểm yếu của mình. Chính vì vậy, người Thầy hiện nay cũng cần được nhìn nhận một cách đa diện, đa chiều.
Nói tóm lại, “ôn cố tri tân”, “kính nhi viễn chi”, luôn nhớ ơn xưa, nhớ về những người Thầy người Cô của mình là lẽ phải đạo, hợp tình người và thuận với nền văn hóa của chúng ta. Nhưng kính trọng mà không bị lấp bóng, gần mà không xa, xa mà lại gần, có quá khứ mới có hiện tại và tương lai, ôn cố để tri tân, trân trọng quá khứ để nắm giữ tương lai. Và tương lai chỉ có những người phải tự lớn, tự trưởng thành thì mới làm chủ được vận mệnh, cuộc sống và cuộc đời của chính mình. Mong rằng cũng là “hậu tháng 11 nghĩ về nhà giáo”, mỗi cá nhân cần suy ngẫm hơn về một số gợi mở có tính chất tham khảo trên đây nhằm phát huy hơn nữa tính tự chủ, tự giác, tự lập và tự trọng của mình trên hành trình phía trước. Và chỉ có như vậy, thế hệ tiền bối mới vững tâm, an tâm chuyển giao, giao phó cho những người đã lớn, những người có năng lực ở miền triển vọng nắm giữ những vận mệnh to tát, vinh quanh.

