Tuổi già nên quên quy luật: “Sinh, lão, bệnh, tử” càng biểu hiện rõ. Bởi, y học chưa đạt đến trình độ cao, để có thể có thứ thuốc, “cải lão hoàn đồng”, vậy nên, hãy sống lạc quan, an nhiên, tự tại…
Đừng nghĩ mình già. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thái độ sống của một người có ảnh hưởng rất lớn đến sự lão hóa của cơ thể. Vậy nên đừng nghĩ mình già nua, chính những ý nghĩ ấy càng làm cho ta già đi nhanh chóng. Khi quên đi tuổi già thì tâm trí trở nên nhẹ nhàng, thảnh thơi, không âu lo, không bi quan, sợ hãi hay chán nản. Khi tâm thanh thản tự khắc cơ thể trở nên nhẹ nhõm, sức khỏe theo đó được cải thiện. Bởi vậy, hãy tập cho mình một lối sống lạc quan, một thái độ sống tích cực ở tuổi xế chiều.
Đừng sợ bệnh tật. Vì tuổi già không tránh được bệnh tật, đó là quy luật của cuộc sống và ai cũng phải chấp nhận, nhưng chấp nhận như thế nào? Với thái độ ra sao? Đó mới là quan trọng. Vậy nên ta phải an nhiên, chấp nhận với thái độ vô tâm, vô ngã. Vô tâm, vô ngã ở đây không có nghĩa là không có tâm, vô tri, vô giác như là gỗ. Mà vô tâm là không có tâm chấp chước về các sự vật, hiện tượng xảy ra theo luật vô thường của trời đất. Vô ngã, là không xem thân mình là quá quan trọng, là vĩnh viễn. Tuổi già, thân có bệnh thì tâm càng nên an, không nên bất ổn về mặt tâm lí, quên bệnh tật, tin tưởng lạc quan vào cuộc sống là một trong những liều thuốc tâm lí, hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị, giúp tuổi già vượt qua bệnh tật, đau ốm, sống nhẹ nhàng, an nhiên hơn.
Đừng nên thù hận. Thù hận, oán giận chỉ khiến cho lòng ta bất an, đầu óc căng thẳng, lúc nào cũng bực bội, vì chỉ nghĩ đến chuyện báo thù. Chứa chấp hận thù là khổ, là phiền não trong lòng, như vậy tuổi già làm sao sống được an lạc, tự do. Già nên thời gian sống trên cõi đời này ngày một ngắn lại, vậy tại sao lại để khoảng thời gian ngắn ngủi và vô cùng quý giá ấy, trôi qua trong những cảm xúc bực bội, phiền não do hận thù gây ra. Thiệt, lợi, hơn, thua, phải, trái, những chuyện ấy đâu còn quan trọng nữa. Lúc này chỉ cần niềm vui, sự an nhiên, nhẹ nhõm của tuổi già mới là điều đáng quý nhất. Cho nên chuyện gì đã qua thì hãy để nó trôi qua, buông bỏ được thì buông bỏ hết. Suy cho cùng quên hận thù là để cuộc sống tuổi già mãi bình yên, thanh thản.
Đừng bỏ quên người bạn đời. Khi về già ta càng cần có một cuộc sống vợ chồng bên nhau. Tục ngữ có câu: “Tổ vàng, tổ bạc, không bằng tổ ấm gia đình”. Tuổi già chẳng có gì hạnh phúc bằng có một mái ấm gia đình với người chồng, người vợ đi bên nhau cho đến hết cuộc đời. Bởi lúc này nhu cầu về vật chất, không còn quan trọng nữa. Khi về già, chỉ khao khát một cuộc sống tinh thần thoải mái, những bữa cơm quây quần, sum họp vợ chồng, những lời trò chuyện hỏi han tâm sự ấy mới là điều người già cần nhất. Cho nên tuổi già, chẳng có hạnh phúc nào bằng hai vợ chồng được sống chính trong ngôi nhà của mình. Nhỏ hay to, cũng là của mình, thích ăn thì ăn, thích uống thì uống, muốn làm gì thì làm, mời ai đến chơi thì mời, chẳng phiền hà gì đến con cháu...
Thực tế ngày nay quan niệm chủ động cuộc sống riêng đối với tuổi già là rất cần thiết. Vì mỗi thời một khác, lối sống và tư duy đều trái ngược nhau, thay vì sống chung, nên ở gần con là tốt nhất. Để con cái hỗ trợ và tiện chăm sóc khi ta cần.