
Báo chí nói về Chúng tôi

Những câu chuyện khởi nghiệp thành công giúp truyền động lực cho bạn.
Trong vòng chưa đầy một tháng tôi nhận được hai câu hỏi của hai người phụ nữ về vấn đề tại sao không vào môi trường công công tác. Những đề xuất như vậy không còn lạ lẫm gì đối với tôi, đặc biệt hơn bởi người ta thấy tôi có học vị Tiến sĩ, tạm được xếp vào tầng lớp trí thức, người có học và vì vậy sẽ rất hữu ích nếu có một vị trí nào đó trong môi trường nhà nước. Xưa nay người ta vẫn quan niệm rằng “chân trong, chân ngoài” thì tiếng nói, vị thế và uy tín sẽ tăng lên, sẽ thuận lợi trong công việc cũng như cuộc sống.
Thiết nghĩ đó là cách quan niệm rất lỗi thời, lạc điệu, lạc nhịp bởi mỗi cá nhân là một thực thể sống động, có năng lực và xuất phát điểm rất khác nhau. Sự lựa chọn công tác ở mỗi môi trường cần nên căn cứ vào tài năng, sở trường và tư duy của từng con người. Trong thời đại ngày nay, sự dịch chuyển vào ra ở môi trường công – tư có độ duỗi rất linh hoạt, có tính thời điểm. Mọi “sự bó” của một nhận thức nào đó đều là định kiến và không có “sự mở” cần thiết của tư duy trước bối cảnh chuyển tiếp gấp gáp của xã hội. Tôi từng chứng kiến không ít người là bạn bè và người thân vì ở quá lâu trong một môi trường nào đó, họ có sức ỳ, có sự quan liêu và thậm chí bảo thủ một cách vô thức.
Tính tiên tiến của mỗi con người là có giới hạn và trong khoảng thời gian cho phép, đơn cử như hai người bạn Đại học của tôi, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng xuất sắc, được giữ công tác tại Khoa và là Giảng viên ưu tú, đầy kỳ vọng cùng sự ngưỡng mộ của chúng tôi. Tuy nhiên, ưu thế đó chỉ được duy trì trong vòng 3 năm (cùng lắm chỉ 5 năm). Sau một thời gian nếu người ta không thường xuyên tiếp cận với thực tiễn cuộc sống, với những con người mới, thậm chí là các va chạm ngoài xã hội thì tôi cảm thấy họ có độ chững, nếu không muốn nói là tụt hậu, lạc hậu. Cùng khoảng thời gian như vậy, tôi đã tiến những bước tiến nhất định. Nói như vậy không phải để khoa mẽ mà để thấy rằng, chỉ có tư duy liên tục, không ngừng kiếm tìm các giải pháp cho cuộc sống thì mỗi cá nhân sẽ làm cho mình sáng láng lên, lóng lánh và có bản sắc lên được
Tiếp đấy, có một câu chuyện thế này, trong hai lần mời người Chú của mình đi uống bia để tiếp một số người quen, có cả đối tác của tôi nữa. Ông Chú tôi là Trưởng Phòng của một đơn vị công, nhưng với cách ăn nói nửa chừng, kể lể quen biết chỗ này, chỗ kia, phô trương thành tích đã đạt được trong quá khứ của ông thì tôi sực tỉnh ra rằng không thể mời ông đến cho bất kỳ mối quan hệ nào nữa của tôi. Khi người ta nói những thứ không thiết thực, không có tính thực tế, không tương thích và ăn khớp với thực tiễn cuộc sống thì rất khó để tôi có thể dung hòa được câu chuyện trong một cuộc tiếp đãi. Khi ông ấy về trước, những vị khách lắc đầu là tôi biết đã hỏng cuộc vui Bởi những sự trên trời, những câu nói lạc điệu trước các vấn đề của cuộc sống nó chả ăn nhập gì với một số người rất từng trải, từng có kinh nghiệm trên thương trường, chính trường.
Con người của thời đại mới chính là người dịch chuyển một cách rất tài hoa, tài tình trước bối cảnh của chu trình này đến một chu trình khác. Điều này có nghĩa rằng người ta phải luôn luôn suy tư, luôn luôn tìm tòi và khám phá mình để làm sao phải là cá nhân hợp tác được, cá nhân cộng hưởng được. Chỉ có như vậy thì mới không ngất ngưởng, lạc điệu và thậm chí là kịch cỡm trước những cá nhân đầy sự thông minh, khôn ngoan trong xã hội. Từng chứng kiến một người chị từ môi trường công ra môi trường tư làm việc mà tôi thấy xót xa. Chị ấy loay hoay, chị ấy vất vả để hòa nhập, để kiếm sống và mong muốn đổi mới mình. Tuy nhiên, sự thích ứng dường như là quá khó với một người đã được định hình từ nếp sống, từ tư duy và thói quen của chu trình cũ nên chị ấy đã tìm cách trở lại môi trường xưa. Do có người nhà là một cán bộ cấp cao, sau một thời gian chờ đợi đến mỏi mòn (vì phải lựa, phải tìm kiếm vị trí thích hợp), chị ấy đã trở lại công tác tại một đơn vị công với vị trí cũng làng nhàng, tèng nhèng.
Gần đây, tôi lại thấy buồn hơn khi tiếp xúc với một người chị nữa làm việc ở khu vực công. Hai chị em hẹn gặp nhau café như một sự cảm ơn của tôi sau một sự việc có sự giúp đỡ của chị. Trong cuộc nói chuyện ấy, tôi cảm giác được “sự ngọng, sự ngại và ấp úng” trong các diễn đạt ngôn ngữ của một cá nhân ít quen đối thoại với những người lạ, những con người mới. Nói như thế để thấy rằng, có những môi trường quen quá, theo nhịp điệu cũ quá, thậm chí là chậm nữa đã khiến một số người thiếu những va chạm, tương tác như những cá nhân cần thiết phải năng động và hoạt bát.
Trong quá trình tư vấn giáo dục, tôi gặp không ít các em gái trẻ sau khi lấy chồng được nhà chồng khuyên nhủ, thậm chí ra điều kiện là phải tìm nơi ổn định, tìm môi trường công để làm việc. Nhìn ánh mắt tràn đầy hoãi bão và ước mơ, sự trong sáng đến vô ngần nhưng với sức ép và mệnh lệnh của người lớn khiến các em ấy bị giằng xé, phân vân cũng làm tôi chạnh lòng. Các bạn ấy đang kiếm tiền rất tốt, đang nảy nở nhiều dự án, nhiều sáng kiến có thể kiếm ra thu nhập nhưng bất thình lình bị bó lại, bị trói lại từ định kiến và tư duy của thế hệ trước. Trước viễn cảnh sẽ ra sao và thành người sẽ được nhào nặn thế nào nếu bước vào môi trường công, tôi đã bày ra một số cách thức mang tình huống giải pháp để các bậc phụ huỳnh ấy cũng vừa vui và các em ấy cũng không bị buồn. Mọi sự cân bằng như thế đòi hỏi là rất cần thiết trước những đan xen, mâu thuẫn của cuộc sống, văn hóa và một số định kiến còn sót lại, rơi rớt của người Việt chúng ta.
Người có năng lực chính là người có thể sống đa dạng trong các môi trường và bối cảnh khác nhau. Đặc biệt hơn là người ta phải kiến tạo lên cuộc sống của mình, tạc lên, điêu khắc lên mình những hình ảnh, những thành tựu của bản thân. Đó chính là sự khẳng định chắc chắn nhất, hạnh phúc nhất cho chính mình. Còn tất cả sự dựa vào, bám vào môi trường, vị thế của một đơn vị, cơ quan cũng chỉ là lẽ bình thường và đương nhiên. Cái tài hoa, tài giỏi của mỗi con người chính là anh đi một cách thăng bằng, khéo léo trong các tình huống của cuộc sống và xã hội, tìm ra thế mạnh, sở trưởng và năng lực của mỗi cá nhân để làm nảy nở nó chính là công nghệ cho thành công, cho sự tự lập và tự trọng của mỗi người.
Quá trình quan sát cuộc sống thì tôi nhận ra một số ngành nghề trong môi trường công ít bị thoái hóa (giống một cây sống ở một mảnh đất lâu dần dần cỗi cằn – thoái hóa theo nghĩa mất dần đi tính tiên tiến) đó là nghề báo, công an, nhà giáo, bác sĩ…vì đó là những người thường xuyên đối mặt với cái mới, tin tức, con người mới, sự vụ mới còn về cơ bản thì sự thoái hóa và tính tiên tiến hiện diện như tính hai mặt. Sức ỳ là có từng ngày, sự thỏa mãn, an phận là thường trực có trong mỗi người. Vì thế phải luôn luôn tịnh tiến, luôn luôn trăn trở và suy tư về mình. Nghĩ về mình, về cuộc sống và tìm ra các điểm chung để tương thích và khớp lại cũng chính là kinh nghiệm để chúng ta không lạc điệu, lạc hậu từng ngày.
Trong thời đại ngày nay, sự dịch chuyển “vào ra- ra vào” công - tư cần được xem là sự bình thường và không nên định kiến. Một người có thể vào môi trường công từ sớm vì có ưu thế của quen biết, của quan hệ, của yêu cầu cuộc sống hay vv…nhưng cũng có người vì bươn trải, vì lăn lộn, kiếm sống hoặc yêu thích tự do, khởi nghiệp…Và nhiều người cũng có thể trở lại môi trường công sau khi đã có những tích lũy, có thời gian và tri thức nhất định. Tóm lại với tốc độ cạnh tranh rất lớn cùng sự chuyển biến gấp gáp trong thời đại mới, đòi hỏi mỗi người phải là “nhà tư tưởng” của chính mình. Họ phải tư duy liên tục, cải tiến từng ngày, khai phá và khai phóng những suy nghĩ một cách liên tục thay vì tư duy giật cục, tư duy nhất thời cũng như rời bỏ được các định kiến, cách nghĩ xưa cũ. Chỉ có như vậy thì mỗi cá nhân mới dự phòng được nhiều các giải pháp, các ý tưởng phục vụ hữu ích cho cuộc sống và tương lai của mình.
(Tư duy nhà nước - Tư duy giật cục (với ý là tư duy làm việc trong môi trường nhà nước))

