Báo chí nói về Chúng tôi
Những câu chuyện khởi nghiệp thành công giúp truyền động lực cho bạn.
Cơ duyên đưa tôi trở thành một cây bút trẻ thì có nhiều lý do lắm, ngày xưa đi học Đại học được nghe các Thầy giảng, báo chí ở nước ngoài là cơ quan quyền lực thứ 4, đội quân thứ tư. Học lịch sử thì tôi thấy phần lớn các nhà lãnh đạo của chúng ta đều có một thời gian làm báo tường, viết báo để cổ động tuyền truyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cụ thể về người sáng lập nền báo chí cách mạng nước ta.
Sau này khi đi làm với đặc thù nghề nghiệp là cần hiểu biết về giới báo chí để cộng tác và đôi khi là né tránh. Như các bạn biết thời gian qua báo chí phát triển không ngừng, cùng với báo chí truyền thống, phụng sự nhân dân, đất nước thì cũng có một cụm từ không mấy thiện cảm dành cho báo chí. Đó là cụm từ báo chí “bẩn”, một số phóng viên, nhà báo chưa thực sự chuyên tâm, yêu nghề nên có làm ảnh hưởng đến hình ảnh và tác phong của nhà báo. Gần đây thì nhà nước ta đã quy hoạch lại báo chí, sát nhập nhiều Tạp chí và các tờ báo lại với nhau, chấn chỉnh các hiện tượng o ép, cắt cổ, rung giật doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân bởi không ít các phóng viên, nhà báo tiêu cực. Điển hình nhất là các văn bản quy định về phân biệt báo chí, tạp chí, trang tin và các kĩ năng ứng xử, tiếp xúc và trả lời báo chí…
TS. Cù Văn Trung trong một lần đi tác nghiệp.
Ngoài lý do trên thì tôi cũng chơi với một anh bạn nhà báo làm ở báo Sài Gòn GP vì thích thú từ trước nên tôi nhờ anh ấy hướng dẫn, chỉ bảo. Nhưng thành thực mà nói cũng không học được nhiều cho lắm, tôi đi tìm hiểu về dịch covid -19 ảnh hưởng tới các nhà hàng, quán ăn lớn ở Hà Nội theo sự tham mưu của anh và gửi cộng tác cho tòa soạn thì họ trả lời thông tin không kiểm chứng, số liệu khó xác minh và có thể động chạm tới sân sau của một số ông lớn. Điều quan trọng đó là tôi không phải biên chế, người làm báo chính quy của tòa soạn nên họ không tin tưởng vào những điều tôi viết. Rồi tôi tìm hiểu viết các mảng về đời sống dân sinh, không khí chuẩn bị đào Tết, tắc đường, công nhân quét rác…tất cả đều không mấy hiệu quả, thậm chí có lần đi nhanh khéo bị xe tông, tốn tiền xăng và thời gian. Lý do rất đơn giản là các tòa soạn họ không thiếu phóng viên đưa tin, lấy bài và đi phỏng vấn như thế…
Phải nói thật với các bạn là viết báo cũng tương đối khó, đầu tiên các bạn phải đi học khóa ngắn hạn thì mới biết thế nào là phỏng vấn, thế nào là đưa tin, thế nào là viết bài phản ánh, rồi thể loại bình luận, chính luận…hay phân biệt giữa báo chí và truyền thông. Thực ra mới đầu học xong tôi cũng chẳng nhớ được mấy các kiểu phân loại đó, tuy nhiên cứ đam mê và làm dần dần thì rồi cũng vỡ vạc ra ít nhiều. Như đi vào mê cung và khắc khoải tìm cách viết, tìm kinh nghiệm viết, tôi lên mạng tìm đọc nhưng những chia sẻ của các nhà báo, các cộng tác viên là không nhiều. Chủ yếu là viết truyện ngắn, viết kí sự và kỉ niệm thời ấu thơ, đi học để gửi các mục tâm sự, đời tư, sinh viên, văn học…
Nói chung là tôi thấy viết báo cũng không dễ, ngoài kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, vốn từ thì các bạn cũng phải biết dàn trận, dàn quân. Bởi viết bài là phải huy động các con chữ, bài binh bố trận các ý tứ. Nếu viết hàn lâm học thuật quá thì chẳng báo nào đăng (chỉ đăng được ở tạp chí nghiên cứu) mà nếu viết bỗ bã, dân dã (kiểu như nói chuyện) thì cũng không đăng được. Vì thế tôi thấy là viết báo nó đi ở khoảng giữa, nó ở lưng chừng hai mức độ như tôi đã nêu, nói một cách văn hoa tức là phải vừa có tính khoa học, tính đảng và tính quần chúng, nhân dân.
TS. Cù Văn Trung thăm nhà báo Xuân Trung và Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Ban đầu tôi cứ loay hoay, mày mò viết đủ thể loại nào là kinh nghiệm lái xe ô tô cho người mới lấy bằng, trải nghiệm mua đất làm trang trại 800 triệu ở quê, hay ăn Tết này ở quê nội hay quê ngoại, kỉ niệm hái nấm thời thơ ấu, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học cho cán bộ, công chức viên chức…nhìn chung cũng may mắn có bài đăng được, có bài không. Và rồi sau tôi tìm ra mạch viết của mình, ra thế mạnh của mình và giờ đây thì cũng được một số báo đặt bài, đặt hàng, đôi lúc còn được mời phỏng vấn…Hiện tại thì tôi cũng hạn chế viết hơn, hạn chế cộng tác vì tôi nghĩ rằng mình cần thời gian trau dồi thêm kiến thức, học tập hơn nữa để phát triển nội lực bên trong rồi cứ dần dà kết duyên với báo chí sâu đậm sau này. Bởi các bạn đều biết rằng muốn cưa đổ cây to thì cưa phải sắc, cũng không nên nóng vội để làm cho được bất kì việc gì. Do đó, tôi vẫn khuyên các bạn là nên luyện cưa, luyện kĩ năng, phải làm sao ngồi viết mà con chữ cứ nó cứ túa ra, đánh chữ trên trang word mà cứ như đi chơi, uống cà phê…thì lúc ấy việc viết lách chúng ta cũng thấy nó nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
Khỏi phải nói thì các bạn cũng biết là vai trò của báo chí ngày nay rất to lớn, tôi biết nhiều nhà báo họ có nhiều mối quạn hệ rất khủng, quen quan chức cỡ bự, phỏng vấn họ như cơm bữa, rồi có giao thiệp với doanh nghiệp, doanh nhân tầm cỡ. Đó là các anh chị làm báo ở Quốc hội, ở các Ban Thời sự - Chính trị của các tờ báo lớn và các nhà báo làm truyền thông ở các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Vinraxenra, Tân Á Đại Thành…Họ có những bí mật nghề nghiệp và có thể tận dụng được nhiều từ lợi thế công việc này. Do vậy, với những bạn thích thú và đam mê lĩnh vực báo chí, hãy bắt tay vào tìm hiểu nó. Vì dung lượng bài viết không nên dài nên những chia sẻ chuyên sâu xin phép được phục vụ các bạn trong các bài viết sau.